10 sai lầm phổ biến khiến CV của bạn bị loại ngay từ vòng gửi hồ sơ

Viết CV là một bước quan trọng trong hành trình tìm kiếm việc làm. Đây là ấn tượng đầu tiên nhà tuyển dụng có về kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, cũng là phương tiện chính để họ đánh giá năng lực của bạn. Hiểu rõ những lỗi thường gặp khi viết CV sẽ giúp bạn tránh khỏi việc hồ sơ bị loại và tăng cơ hội phỏng vấn trực tiếp. Trong bài viết này, VOCO Center sẽ điểm qua một số lỗi thường gặp khi viết CV và hướng dẫn cách tránh chúng.

10 lỗi sai thường gặp khi viết CV và cách khắc phục

1. Định dạng kém
Theo thống kê, trung bình một nhà tuyển dụng chỉ dành khoảng 6-8 giây để đọc sơ yếu lý lịch (CV). Nếu CV của bạn không thể thu hút sự chú ý của họ trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, họ sẽ đơn giản là bỏ qua và chuyển sang ứng viên tiếp theo.

Do đó, việc định dạng CV một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng, giúp nhà tuyển dụng dễ dàng tìm thấy thông tin mong muốn. Dưới đây là một số mẹo hữu ích dành cho bạn:

  • Sử dụng các dấu đầu dòng thay cho các đoạn văn dài: Điều này giúp trình bày thông tin rõ ràng, khoa học, dễ dàng nắm bắt.
  • Chọn bộ màu sắc và font chữ nhất quán: Duy trì sự chuyên nghiệp và dễ đọc cho CV bằng cách chọn một bộ màu và font chữ nhất định, đồng thời sử dụng chúng xuyên suốt toàn bộ tài liệu.
  • Tận dụng khoảng trắng: Tạo sự phân chia rõ ràng giữa các phần trong CV bằng cách sử dụng khoảng trắng hợp lý. Khoảng cách dòng giữa các văn bản nên nằm trong khoảng 1.0 đến 1.15.
  • Sử dụng mẫu CV có sẵn: Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian đáng kể so với việc thiết kế CV từ đầu, cho phép bạn tập trung vào nội dung chính.

2. Lỗi chính tả và ngữ pháp: 
Một CV đầy lỗi chính tả, đánh máy và ngữ pháp kém sẽ khiến bạn bị đánh giá là người giao tiếp tồi, cẩu thả hoặc không quan tâm đến vị trí ứng tuyển. Điều này có thể loại bạn khỏi cuộc đua ngay cả khi bạn sở hữu những kỹ năng tuyệt vời.

Để tạo ấn tượng chuyên nghiệp và tăng khả năng trúng tuyển, hãy lưu ý những quy tắc ngữ pháp quan trọng sau đây: (đối với bản CV bằng Tiếng Anh)

  • Sử dụng các công cụ kiểm tra chính tả và ngữ pháp: Các nền tảng như Grammarly là trợ thủ đắc lực giúp bạn loại bỏ lỗi sai và trau chuốt văn phong.
  • Dấu ngoặc đơn (‘) cho sở hữu: Sử dụng dấu ngoặc đơn để chỉ sự sở hữu, ví dụ: "nhu cầu của khách hàng" ("client's needs"), "blog của công ty" ("company's blog").
  • Dấu ngoặc kép (“ ”) cho trích dẫn: Dùng dấu ngoặc kép để đánh dấu các phần trích dẫn trực tiếp.
  • Thì quá khứ cho công việc cũ, thì hiện tại cho công việc đang làm: Khi mô tả về các công việc trước đây, hãy sử dụng thì quá khứ. Ngược lại, sử dụng thì hiện tại để nói về công việc bạn đang đảm nhiệm.

3. Trình bày CV quá dài
Trong quá trình viết CV, bạn có thể dễ dàng rơi vào xu hướng liệt kê tất cả các kinh nghiệm và thành tích của mình, đặc biệt là khi bạn có bề dày kinh nghiệm. Tuy nhiên, điều này là không cần thiết.

CV không phải là tự truyện đời bạn. Ngược lại, đây nên là một tài liệu ngắn gọn, súc tích được điều chỉnh phù hợp với công việc bạn đang ứng tuyển. Vì vậy, hãy hướng tới độ dài tối đa từ 1-2 trang.

Chỉ tập trung nêu bật những kinh nghiệm làm việc có liên quan đến vị trí bạn đang apply. Ví dụ, nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm đến kinh nghiệm kế toán của bạn nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí marketing.

Bằng cách tập trung vào các kỹ năng và thành tích có liên quan, bạn sẽ thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và tăng cơ hội phỏng vấn của mình.

4. Không điều chỉnh CV theo từng vị trí ứng tuyển
Một CV lý tưởng không nên là một bản sao "dập khuôn" cho mọi công việc. Thay vào đó, hãy tùy chỉnh nó sao cho phù hợp với từng vị trí bạn đang ứng tuyển.

Mặc dù điều này có thể tốn thêm chút thời gian, việc tùy chỉnh CV sẽ giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng và chứng tỏ sự nghiêm túc khi ứng tuyển (thay vì gửi CV tràn lan đến mọi công ty).

Dưới đây là một số mẹo để bạn tùy chỉnh CV hiệu quả:

  • Nghiên cứu kỹ công ty và vị trí tuyển dụng để hiểu họ đang tìm kiếm ứng viên lý tưởng như thế nào.
  • Đọc kỹ mô tả công việc để nắm bắt các nhiệm vụ, kỹ năng và kinh nghiệm được đánh giá cao.
  • Khi viết CV, hãy đảm bảo thể hiện đầy đủ những kỹ năng và kinh nghiệm quan trọng được nêu trong mô tả công việc.
  • Không nên liệt kê tất cả kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào những kỹ năng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển. Ví dụ, nếu bạn đang ứng tuyển kế toán, bạn không cần đề cập đến kỹ năng thiết kế đồ họa.

5. Liệt kê quá nhiều nhiệm vụ, thiếu thành tựu đạt được trong phần kinh nghiệm làm việc
Trong một CV, phần kinh nghiệm làm việc đóng vai trò then chốt. Đây chính là yếu tố giúp nhà tuyển dụng đánh giá năng lực và sự phù hợp của bạn với vị trí đang tuyển dụng.

Tuy nhiên, cách trình bày phần kinh nghiệm cũng cần được chú ý.

Thay vì chỉ liệt kê các công việc từng làm, hãy tập trung nhấn mạnh những thành tựu cụ thể để chứng minh năng lực và giá trị của bản thân. Hãy thể hiện thành tựu của bản thân bằng những con số cụ thể cùng minh chứng rõ ràng trong một mốc thời gian cụ thể. 

Ví dụ: 

  • Nên: Đã thu hút được hơn 100.000 lượt truy cập vào trang web trong năm 2021, dẫn đến hơn 3.600 đơn hàng. 
  • Không nên: Chịu trách nhiệm thu hút lưu lượng truy cập đến trang web

6. Sử dụng địa chỉ Email thiếu chuyên nghiệp
Trong quá trình tìm kiếm ứng viên, nhà tuyển dụng thường nhận được rất nhiều hồ sơ. Một địa chỉ email không chuyên nghiệp như “cobengocnghech” hay “changtraicodon” có thể khiến hồ sơ của bạn bị bỏ qua ngay cả khi chưa được mở.

Để tạo ấn tượng tích cực, hãy đảm bảo địa chỉ email bạn sử dụng mang tính chuyên môn và lịch sự. Hãy thử một địa chỉ email chỉ gồm tên bạn, trường bạn học hay một vài con số có ý nghĩa. 

7. Thổi phồng sự thật trên CV
Trong quá trình tìm kiếm việc làm, bạn có thể nghĩ rằng việc phóng đại sự thật trên CV sẽ giúp hồ sơ của bạn nổi bật hơn. Tuy nhiên, hậu quả của việc này sẽ khiến bạn hối hận.

Nhà tuyển dụng thường kiểm tra lý lịch ứng viên trong quá trình phỏng vấn. Chỉ cần một cuộc điện thoại ngắn với người quản lý cũ của bạn, sự thật sẽ được phơi bày. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại về danh tiếng, mất cơ hội việc làm và gây ra rất nhiều căng thẳng cho bạn.

Ngay cả khi vượt qua khâu kiểm tra và được nhận việc, bạn sẽ liên tục bị áp lực bởi yêu cầu của công việc mà mình không đủ khả năng thực hiện. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bị sa thải hoặc buộc phải nghỉ việc.

Thay vì phóng đại sự thật, hãy tập trung vào việc trình bày những kỹ năng và kinh nghiệm thực tế của bạn một cách ấn tượng. 

8. Thiếu thông tin liên lạc hoặc thông tin liên hệ không chính xác
Tưởng tượng bạn đã dành hàng giờ để tạo ra một CV hoàn hảo, nhưng sau đó lại không được tuyển dụng chỉ vì nhà tuyển dụng không thể liên lạc với bạn.

Do đó, hãy luôn kiểm tra kỹ thông tin liên lạc của bạn để đảm bảo mọi thứ đều chính xác và được cập nhật. Bên cạnh đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã bao gồm các mục sau trong phần thông tin liên lạc:

  • Họ và tên
  • Số điện thoại
  • Địa chỉ email
  • Vị trí (quận, thành phố)

9. Sử dụng cỡ chữ, font chữ không phù hợp
Cỡ chữ và font chữ cũng là 1 trong những điều quan trọng, giúp CV của bạn thêm hoàn hảo hơn.

Bạn có thể áp dụng một số quy tắc sau: 

  • Cỡ chữ: Hãy ưu tiên những cỡ chữ dễ nhìn, không quá nhỏ. Cụ thể, bạn nên chọn cỡ chữ từ 12 đến 14. Tránh chọn cỡ chữ nhỏ hơn 10 vì sẽ gây khó khăn cho người đọc.
  • Font chữ: Lựa chọn những font chữ đơn giản, rõ ràng sẽ giúp CV của bạn chuyên nghiệp hơn. Một số gợi ý cho bạn như: Helvetica, Proxima Nova, Garamond, Times New Roman, Arial,... Hãy tránh xa những font chữ quá cầu kỳ hoặc khó đọc như Courier, Comic San, Zapfino,...
  • Căn lề: Đừng quên căn lề cho văn bản của bạn nhé! Khoảng cách tiêu chuẩn là 1cm. Điều này giúp CV của bạn trông gọn gàng và chuyên nghiệp hơn.

10. Kinh nghiệm làm việc bị sắp xếp lộn xộn
Nguyên tắc cơ bản của một CV ấn tượng đó là kinh nghiệm làm việc luôn được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Những công việc gần nhất phải được đặt phía trên cùng và lần lượt liệt kê theo dòng thời gian xa dần.

Một sai lầm khi viết CV chính là các mốc thời gian bị sắp xếp lộn xộn, công việc này lại chồng chéo lên thời gian tại công ty khác. Điều này vừa gây khó hiểu cho người đọc, vừa khiến họ nghĩ rằng bạn đang cố tình nói dối về trình độ của mình.

Trên đây là những sai lầm cần tránh khi viết CV mọi người hay mắc phải. Hy vọng rằng bài viết này hữu ích cho quá trình làm CV của bạn. 

Nếu bạn còn hoang mang không biết tạo CV sap cho ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng, tham khảo ngay khóa học Tạo CV "Chuẩn và Trúng" cho người mới bắt đầu do VOCO Center tổ chức, được biên soạn độc quyền và giảng dạy trực tiếp bới chị Lưu Thanh Huyền (Amon).

Cuối cùng, chúc bạn thành công với 1 bản CV chất lượng, "đốn gục" mọi nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên!


  

Bài viết cùng danh mục