Liệu bạn có nằm trong 0,2% được cho là "top students" khối ngành kinh tế

Nguồn: Vietnam Online Career Fair - VOCF

Management Trainee hay MT (đọc là Em-Ti) có rất nhiều cách viết. Nếu đúng chuẩn thì là MT, còn không chỉ là EMPTY thôi. 

VOCF xin chào,

Tiếp nối chuyên mục Ams Sharing - VOCF muốn khai thác một thông điệp cũ theo 1 cách mới. Thông điệp rất đơn giản. Nếu thi MT, thì nên biết rõ mục tiêu và cần đặt câu hỏi “Thi xong rồi làm gì tiếp?”.

📍Theo thống kê từ các chuyên gia nhân sự, thường có 3 lý do khiến nhiều người thi Management Trainee xong rồi lại bỏ: 

  1. Lý do cá nhân: Đi du học, việc gia đình, có dự án startup, kinh doanh riêng...  
  2. Mức độ phù hợp với văn hóa công ty (Cultural Fit): Vào công ty mới phát hiện Core Value không phù hợp. 
  3. Năng lực (Performance): Giải case trên giấy để đỗ cuộc thi là một chuyện, duy trì phong độ tốt và giải case trên thực tế trong vài năm đầu của sự nghiệp lại là một câu chuyện khác.

Tạm thời bỏ qua lý do số 1 (vì đây là các tác nhân không thể kiểm soát), chúng ta bàn về lý do số 2 và số 3 để cùng thấy rõ hơn về tầm quan trọng của việc chuẩn bị kiến thức về văn hóa doanh nghiệp và năng lực cá nhân trước khi đi thi. Cùng VOCF thực hiện bài toán nhỏ sau:

🟥 Góc nhìn từ phía doanh nghiệp (cung):

- Hằng năm, trung bình một chương trình Management Trainee của một công ty là 3000 người dự thi. Số người đậu trung bình mỗi năm cho một công ty là từ 15 người (5 phòng ban)

=>  Tỷ lệ số người đậu Management Trainee là 0.5% (15/3000)   

- Những người đã đậu MT chia thành 2 nhóm: những người đi tiếp (làm trên 2 năm) & quit (làm dưới 1 năm). Số người nằm ở nhóm 1 trung bình là 6 người.

=> Tỷ lệ trung bình số người đi tiếp chương trình Management Trainee sau 2 năm là 40% (6/15)


👉Như vậy, trong 1 năm, chỉ 0,2% số người đã thi vào 1 công ty thực sự PHÙ HỢP đi tiếp chương trình MT sau khi đỗ (6/3000), bỏ qua các lý do cá nhân và tạm mặc định người đi tiếp phù hợp với công ty (Performance & Cultural Fit).   

Trên thị trường hiện tại, các tập đoàn có chương trình Management Trainee được đông đảo mọi người biết đến, đặc biệt trong mắt sinh viên (theo các khảo sát, survey từ đối tác và của VOCF) từng có: 

  • Ngành FMCG: Heineken, AB Inbev, FCV, Unilever, Suntory PepsiCo, Coca Cola, Nestlé, L’Oréal, BAT,... 
  • Ngành Retail: Shopee, Lazada, Central Retail,... 
  • Ngành khác: Jardines, Prudential, Generali, Garena,... 

Tổng cộng có khoảng 15 công ty có chương trình Management Trainee được xem là có uy tín, trong đó trung bình tuyển được 6 người/công ty là PHÙ HỢP.   
👉 Như vậy trong một năm, chỉ có tầm khoảng trên dưới 90 người được tuyển thực sự PHÙ HỢP công ty sau 2 năm làm việc. (6*15) 
👉 Nếu như con số biết nói (và bỏ qua các lý do chủ quan), thì doanh nghiệp sở hữu các chương trình MT lớn đang “đòi hỏi” rất nhiều và rất cao từ ứng viên của họ.

  
🟥 Góc nhìn từ phía sinh viên (cầu):  

- Toàn quốc hiện tại số lượng sinh viên quan tâm chương trình Management Trainee là 10.000 sinh viên mỗi năm (dựa theo số ước lượng từ tốc độ tăng trưởng của đối tác tổ chức sinh viên của VOCF). Nếu theo thông số phía trên, trong 10.000 sinh viên này, chỉ có 90 sinh viên có thể trụ lại với MT sau 2 năm làm việc (tỉ lệ 0.09%)  

- Theo thống kê của một tổ chức khác, có 4 trường có tỷ lệ sinh viên thi MT cao hằng năm bao gồm 17,47% sinh viên Ngoại thương HN, 15,4% sinh viên Kinh tế HCM, 9,2% sinh viên Ngoại thương HCM, 6,9% sinh viên Kinh tế Quốc dân. Một cách lý tưởng, mỗi năm mỗi trường trường này có 3000 sinh viên tốt nghiệp, tức là 1470 sinh viên thi MT. Dựa vào số liệu bên trên, thì, bốn trường đại học lớn nhất Việt Nam về kinh tế có khả năng đào tạo cao nhất là 13 Management Trainee có thể trụ lại công ty sau 2 năm làm việc. Chưa tính các trường khác và du học sinh.  

👉 Số lượng thí sinh đỗ cuộc thi MT, trụ lại được với chương trình này sau 2 năm (tức thỏa mãn được nhu cầu của doanh nghiệp) là một con số vô cùng khiêm tốn so với số lượng người tham gia thi mỗi năm.  


🟥 Tổng kết lại số liệu (được tính toán 1 cách lý tưởng), ta có thể tạm kết luận như sau:  
- Doanh nghiệp đang đòi hỏi hỏi rất cao từ ứng viên cho vị trí MT.  

- Rất ít sinh viên đang ôn luyện MT đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (trong cả ngắn hạn và dài hạn).  

0,09% là một con số vô cùng nhỏ. MT được thiết kế để dành cho 0,09% sinh viên? Vậy sinh viên có nên đánh đổi phần lớn thời gian khi đi học để làm “gà chọi” thi Management Trainee mà quên việc chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết khác hay không? Vì thi thì đến hơn 99% là trượt. Nên đỗ thì tốt, còn trượt thì cũng phải có thêm được nhiều kiến thức. Chứ không phải chỉ làm "gà chọi", rồi chắc chắn trượt. Tạm không nhắc đến những trường hợp thi để trải nghiệm, thi cho biết. Việc sinh viên ôn luyện, hay “tiến hóa” trong quá trình ứng tuyển, thì doanh nghiệp cũng ngày càng bắt kịp với xu hướng này. Họ cũng “tiến hóa”, đề thi rồi cũng khó nhằn hơn. Và những con số kia vẫn gần như không đổi trong vài năm đổ lại đây.  

Vì thế sinh viên nên đánh giá đúng mức độ khoai của 1 chương trình MT để tránh biến MT thành 1 trào lưu: Lao vào một cuộc thi với những trang bị dành cho mình là những tooltips hay framework đầy rẫy trên thị trường thay vì thực sự hiểu thế nào là kinh doanh, thế nào là làm ăn, thế nào là văn hóa doanh nghiệp,... Sau đó, chính bản thân phải đưa lời từ bỏ chương trình này vì lý do như không phù hợp (hoặc không theo được). Liệu các bạn có lường trước được những trường hợp này không hay vẫn đang mơ về một màu hồng của một chương trình “lương cao”, “title xịn”, và ước mơ “đổi đời”.

Nếu đã đi thi và xác định dấn thân, thì hãy trau dồi kiến thức thực tế và đi làm để trải nghiệm văn hóa doanh nghiệp ở phòng ban mà mình muốn ứng tuyển để không bị vỡ mộng. Phải dành thời gian để nói chuyện với người trong nghề và doanh nghiệp để hiểu con đường tương lai của mình khó khăn thế nào. Chứ đừng lao đầu đi ôn luyện. Vì có cung, sẽ có cầu. Sinh viên càng máu ôn luyện, ngày sẽ càng nhiều các lò luyện mở ra (đơn giản vì họ cần kiếm sống). Nhưng hậu quả để lại sẽ rất đáng buồn, khi giờ đây, để các chương trình tuyển dụng thu hút được sinh viên, là lại phải thêm chữ Management Trainee vào. Người người MT, nhà nhà MT.

Phiên âm là Em-Ti có rất nhiều cách viết. Nếu đúng chuẩn thì là MT, còn không chỉ là EMPTY thôi. Tuổi trẻ, dám lộ diện, dám khẳng định bản thân mình bằng việc ứng tuyển là một tinh thần cầu tiến nên có. Nhưng bài toán “dám làm” đã xưa rồi. Giờ bài toán cần giải là “làm như thế nào?”. Đã đến lúc, sinh viên cần nghĩ một cách nghiêm túc về bản thân, về career path của chính mình, và lường trước được con đường mình sẽ đi khi trở thành một Management Trainee nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung.

-----

Lưu ý:

  1. Số liệu trong bài viết được khai thác từ các công ty được nhiều sinh viên biết tới. Số liệu được thu thập dựa trên con số trung bình hằng năm của các công ty, không nhằm cụ thể thông số của bất kỳ công ty nào.
  2. Bài viết chỉ nêu quan điểm trên số liệu. Không phán xét các động lực đi thi MT, đặc biệt việc thi để trải nghiệm. Mục đích duy nhất bài viết muốn nhấn mạnh là các bạn nêu hiểu rõ mục đích của bản thân, trang bị càng nhiều kiến thức thực tế càng tốt, trước khi tham gia ôn luyện hoặc thi một chương trình nào đó.
Bài viết cùng danh mục